Điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại

Thừa phát lại hiện nay không phải là một ngành nghề kinh doanh phổ biến với mục đích thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án  dân sự thông qua việc giao một số công việc thi hành án dân sự cho tổ chức tư nhân không phải là cơ quan Nhà nước. Do đó đây là một ngành nghề kinh doanh có yêu cầu điều kiện. Để có thể kinh doanh ngành nghề này, thương nhân cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Trong bài viết dưới đây, Thừa phát lại tại Hà Nội xin tư vấn đến các quý khách hàng điều kiện thành lập văn phòng thừa phát lại theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính Phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
  • Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Bộ Tư Pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Một số khái niệm

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Lịch sử hình thành của chế định thừa phát lại

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng: “ Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ xã hội hóa một số công việc thi hành án dân sự thông qua chế định Thừa phát lại “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên). Trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. 

Trên tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, 24 tháng 7 năm 2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2009/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với những kết quả đạt được trong kế hoạch thí điểm văn phòng thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 24 tháng 02 năm 2020, từ đó chế định Thừa phát lại chính thức được áp dụng trên phạm vi cả nước.

Điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

  • Điều kiện về kinh tế – xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
  • Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
  • Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
  • Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

Một số điều kiện khác:

  • Phải đăng ký mã số thuế và mở tài khoản văn phòng.
  • Phải ký quỹ cho mỗi thừa phát lại là 100 triệu đồng hoặc phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
  • Đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thủ tục đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại.
  • Một số các tài liệu khác chứng minh văn phòng thừa phát lại có đủ điều kiện thành lập hoạt động.

Trên đây là một số nội dung tư vấn của Thừa phát lại tại Hà Nội chúng tôi về điều kiện thành lập văn phòng thừa phát lại. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi hay băn khoăn nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 08.3679.3678 hoặc vibanghanoi@gmail.com để được các luật sư của Hồng Minh tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0836 793 678