Mặc dù mới ra đời trong thời gian chưa lâu, nhưng không thể phủ nhận được những lợi ích và giá trị của nó đối với rất nhiều hoạt động trên thực tế của chúng ta. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện lập vi bằng hoặc có nhu cầu lập vi bằng cần chú ý một số vấn đề liên quan. Trong bài viết dưới đây, Thừa phát lại tại Hà Nội xin tư vấn đến các quý khách hàng những điều cần lưu ý về lập vi bằng.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
- Thông tư số 05/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Lập vi bằng là gì?
Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 quy định: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
Hiểu theo cách thông thường, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Đặc điểm của vi bằng
Vi bằng và việc lập vi bằng của Thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:
- Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;
- Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;
- Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do thừa phát lại lập;
- Vi bằng do thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh;
- Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.
Giá trị pháp lý của vi bằng
Theo Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020, vi bằng có giá trị pháp lý là nguồn nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh giá; xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng; nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại; cơ quan; tổ chức; cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Lưu ý: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Một số trường hợp cần lập vi bằng trên thực tế
- Lập vi bằng khi giao dịch đối với bất động sản. Đối với các giao dịch bất động sản thì việc lập vi bằng chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp:
+ Ghi nhận sự kiện, hành vi liên quan đến bất động sản. Bao gồm ghi nhận việc giao nhận tiền khi mua bán tài sản; ghi nhận việc đặt cọc để chuyển nhượng bất động sản; ghi nhận quá trình thực hiện các cam kết, nội dung trong giao dịch bất động sản…
+ Ghi nhận hiện trạng của bất động sản. Bao gồm ghi nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; ghi nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; ghi nhận tình trạng nhà khi mua nhà; ghi nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; ghi nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật….
- Vi bằng xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế: việc xác lập vi bằng tình trạng tài sản; phân chia tài sản trong quá trình giải quyết ly hôn hoặc thừa kế để giảm bớt tranh chấp; thời gian, chi phí cho đương sự.
- Lập vi bằng trong hoạt động của doanh nghiệp: Hoạt động tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị thường xuyên diễn ra; quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động quản trị; điều hành. Việc lập vi bằng xác nhận việc tổ chức cuộc họp quan trọng là cần thiết.
- Lập vi bằng trong hoạt động xây dựng; thương mại khác. Một số hoạt động khác được khuyến khích xác lập vi bằng như xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình; xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu; xác nhận việc giao hàng kém chất lượng; xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh,…
Trường hợp từ chối lập vi bằng
- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng.
- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, trái đạo đức xã hội.
- Xác nhận nội dung; việc ký tên trong hợp đồng; giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp; không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ; văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
- Ghi nhận sự kiện; hành vi để chuyển quyền sử dụng; quyền sở hữu đất đai; tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng; quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Ghi nhận sự kiện; hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan; hạ sĩ quan; chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Thừa phát lại tại Hà Nội chúng tôi về những điều cần lưu ý về lập vi bằng. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi hay băn khoăn nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp nào khác liên quan đến vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 08.3679.3678 hoặc vibanghanoi@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.