Thủ tục thực hiện tống đạt văn bản

Theo quy định của pháp luật tố tụng thì để có thể giải quyết được vụ án cũng như tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, Toà án phải có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên không phải lúc nào Tòa án cũng có điều kiện tự mình thực hiện công việc tống đạt. Do đó, trong trường hợp này; Tòa án có thể sử dụng dịch vụ tống đạt của các Thừa phát lại; đại diện theo ủy quyền của mình thực hiện công việc tống đạt. Trong bài viết dưới đây, Thừa phát lại tại Hà Nội xin tư vấn đến các quý khách hàng phương pháp, trình tự, thủ tục thực hiện tống đạt văn bản.

1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015;
  • Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014;
  • Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
  • Thông tư số 05/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
thủ tục tống đạt văn bản

2. Phương pháp, trình tự, thủ tục thực hiện tống đạt văn bản

Thỏa thuận về việc tống đạt

Để có thể thực hiện việc tống đạt, Văn phòng thừa phát lại phải ký hợp đồng nguyên tắc với cơ quan thực hiện việc ủy quyền tống đạt (Tòa án, Thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân). Trên cơ sở hợp đồng; số lượng và từng loại văn bản cụ thể; cơ quan thi hành án; Tòa án; Viện kiểm sát nhân dân giao Thừa phát lại tống đạt; được thực hiện thông qua sổ giao nhận có xác nhận của 02 bên. Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân chuyển giao tất cả các loại văn bản đã thỏa thuận và Văn phòng Thừa phát lại không được từ chối khi có yêu cầu tống đạt.

Trong trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể. Hợp đồng dịch vụ tống đạt gồm các nội dung chính sau:

  • Văn bản cần tống đạt hoặc công việc cần thông báo: Hiện nay không phải tất cả các văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án đều giao cho Văn phòng thừa phát lại thực hiện việc tống đạt. Tùy tính chất, đặc điểm từng vụ việc cơ quan thi hành án, tòa án vẫn giữ lại để trực tiếp thực hiện tống đạt đối với một số loại giấy tờ. Do vậy, cơ quan thi hành án, Tòa án, Viện Kiểm sát phải lập bảng kê các văn bản cần tống đạt có thể ủy quyền, sau đó ký hợp đồng với Văn phòng thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt.

Đối với công việc cần thông báo, tùy theo yêu cầu cụ thể mà cơ quan thi hành án, tòa án có thể lập danh mục các việc cần thông báo hoặc chỉ theo vụ việc cụ thể để ký hợp đồng với Văn phòng thừa phát  lại để thực hiện việc thông báo.

  • Thời gian thực hiện hợp đồng: Ở đây có thể hiểu là thời gian thực hiện việc tống đạt. Về nguyên tắc, thời gian thực hiện việc tống đạt thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng ký kết giữa hai bên nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật.

  • Thủ tục việc tống đạt: Là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật về thi hành án và pháp luật tố tụng trong hợp đồng khi thực hiện việc tống đạt như: phương thức tống đạt, thủ tục giao nhận văn bản, xử lý trường hợp đương sự vắng mặt…

  • Quyền, nghĩa vụ của các bên: Đó là các quyền lợi và nghĩa vụ mà mỗi bên được hưởng hay phải thực hiện. Bao gồm những quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật cũng như những quyền và nghĩa vụ mà các bên cam kết mà không trái với các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội.

  • Phí thực hiện tống đạt: Là khoản phí mà cơ quan thi hành án, tòa án phải trả cho việc thực hiện công việc tống đạt hay thông báo của Văn phòng thừa phát lại. Chi phí này áp dụng theo định mức quy định của nhà nước đối với từng loại công việc cụ thể.

  • Thỏa thuận khác (nếu có): Ngoài các nội dung cơ bản trên, các bên ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận về một số nội dung khác như: trường hợp bất khả kháng, điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng, hiệu lực của phụ lục…

Mỗi Tòa án; mỗi Viện kiểm sát nhân dân; mỗi cơ quan thi hành án dân sự có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt; với một hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại

Thủ tục thực hiện tống đạt văn bản

Trên cơ sở Hợp đồng đã ký kết; Cơ quan thi hành án dân sự; Tòa án; Viện Kiểm sát phải lập danh mục các quyết định; giấy tờ cần tống đạt bàn giao cho văn phòng Thừa phát lại; trong đó nêu rõ thời gian cần thực hiện xong việc tống đạt.

Việc giao nhận các văn bản tống đạt được thực hiện hàng ngày và được ghi vào Sổ giao nhận theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan thi hành án dân sự; Tòa án; Viện kiểm sát có thể thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện ngay việc tống đạt; kể cả ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính.

Việc tống đạt được thực hiện theo các phương thức đó là:

  • Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

  • Niêm yết công khai;

  • Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Khi không thể thông báo trực tiếp thì Thừa phát lại có thể tiến hành các thủ tục để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo giấy… hoặc tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở chính quyền nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú, tạm vắng cuối cùng, cơ quan công tác, các địa điểm công cộng khác theo quy định.

Sau khi hoàn thành việc tống đạt; Thừa phát lại phải thông báo kết quả tống đạt; kèm theo các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho Cơ quan thi hành án dân sự; Tòa án; Viện kiểm sát trong thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên. Kết quả tống đạt phải được ghi vào sổ thụ lý quyết định, giấy tờ cần tống đạt.

Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án; Cơ quan thi hành án dân sự; Viện kiểm sát về việc tống đạt thiếu chính xác; không đúng thủ tục; đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thưởng theo quy định.

3. Chi phí cho việc tống đạt

Chi phí cho việc tống đạt có thể do Nhà nước hoặc đương sự chi trả. Việc chi trả thực hiện sau:

  • Đối với trường hợp sử dụng ngân sách Nhà nước để chi trả: Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận với các Văn phòng Thừa phát lại để thống nhất, quyết định cụ thể mức chi phí tống đạt áp dụng đối với từng quận, huyện trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương mình; đồng thời, gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản của các đơn vị thực hiện chi trả chi phí tống đạt trên địa bàn để làm cơ sở xác định chi phí tống đạt theo các mức cụ thể.

  • Trường hợp chi phí tống đạt do đương sự chi trả: Đương sự chịu chi phí tống đạt trong các trường hợp pháp luật về tố tụng và pháp luật về thi hành án dân sự quy định đương sự phải chịu chi phí tống đạt, chi phí thông báo.

Trên đây là một số nội dung tư vấn của Thừa phát lại tại Hà Nội chúng tôi về phương pháp, trình tự, thủ tục thực hiện công việc tống đạt. Nếu quý khách hàng còn có câu hỏi hay băn khoăn nào khác cần được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp nào khác liên quan đến vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 08.3679.3678 hoặc vibanghanoi@gmail.com để được các luật sư của Hồng Minh tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0836 793 678